Hậu Giang là một tỉnh ở đồng bằng sông Cửu Long, mang những nét đặc trưng của sông nước miệt vườn miền Tây. Nơi đây hấp dẫn du khách bởi vẫn giữ nguyên được vẻ hoang sơ mộc mạc, bình dị với ruộng lúa bát ngát, từng con kênh rạch nặng tình phù sa, cuộc sống yên bình và sự hiếu khách của người dân địa phương.
Bỏ túi 9 đặc sản Hậu Giang dân dã nổi tiếng
Hậu Giang có đặc sản gì? Nếu bạn có cơ hội đến Hậu Giang tham quan thì dưới đây là những gợi ý về 9 đặc sản Hậu Giang dân dã vô cùng nổi tiếng.
Mục lục bài viết
1. Cháo lòng cái Tắc
Đặc sản Hậu Giang đầu tiên mà du khách không thể bỏ qua chính là cháo lòng cái Tắc. Mặc dù cháo lòng ở đâu cũng có, nhưng cháo ở Cái Tắc, Châu A Thành, Hậu Giang lại có sự đặc biệt riêng khiến biết bao lữ khách say mê. Điều làm nên sự khác biệt của món cháo lòng ở đây bắt đầu từ những khâu đầu tiên là chọn gạo. Gạo được dùng là loại gạo cũ, gạo khô để nấu vì nó sẽ không tạo ra nhựa khi nấu. Gạo cũng không rang trước vì nó sẽ làm mất hương thơm của cháo khi nấu. Còn về lòng heo cũng được lựa chọn hết sức tỉ mỉ, thông thường người ta sẽ đến tại lò để chọn những đoạn lòng tươi ngon nhất về nấu.
Cháo lòng cái Tắc
Một tô cháo lòng có đầy đủ tim, gan, phổi, lòng,… với vị ngọt của lòng heo, bùi bùi của gạo, ăn kèm với đĩa rau sống và vài cái quẩy , một sự kết hợp tuyệt vời làm nức lòng thực khách.
2. Ốc Len xào dừa
Ốc Len còn được gọi là Linh Hoa, vốn là loài ốc biển tự nhiên, chỉ sống ở các cánh rừng ngập mặn hay các bãi bồi ven biển. Và món ốc len xào dừa cũng là một món đặc sản Hậu Giang.
Ốc len xào dừa
Thay vì dùng mỡ, người ta lại dùng nước cốt dừa để nấu món ăn này. Sau một thời gian nấu, nước cốt sẽ tạo ra dầu dừa thấm vào thịt ốc, làm cho thịt ốc trở nên thơm ngon, hấp dẫn hơn. Món ăn này phải chấm cùng với muối tiêu chanh thì mới đúng chuẩn vị và kèm với ít rau răm.
3. Lẩu cá ngát
Đối với những người có kinh nghiệm du lịch Hậu Giang thì món lẩu cá ngát nấu cùng tương hột, bột me chín là lựa chọn hàng đầu. Vào những ngày gió bấc, ngồi quanh nồi lẩu thơm lừng, bốc khói nghi ngút hấp vài ngụm rượu thì còn thú chơi nào sánh được. Người đầu bếp khéo léo còn giữa lại khúc giữa thân cá, xắt mỏng phần thịt rồi đem tẩm ướp với hành củ băm nhuyễn, tiêu, ớt giã, bột ngọt… để trong 30 phút. Bắc nồi nước giấm nuôi pha thêm ít nước dừa xiêm và gia vị cho vừa miệng, đợi nước sôi thì nhúng cá vào rồi gấp ra cuốn bánh tráng. Ngon hết sảy!
Lẩu cá ngát
Tuy nhiên, đơn giản nhất vẫn là đâm nhuyễn muối hột cùng với vài trái ớt hiểm ướp cá cho thấm, rồi bó bẹ chuối hột nướng trên bếp than hồng. Món này ăn với các loại rau rừng, chấm muối ớt ngon… hết chỗ chê.
4. Cá lóc đồng nướng trui
Đặc sản hậu Giang có gì, ắt hẳn không thể thiếu món cá lóc đồng nướng trui này. Ra bờ sông, bờ ruộng bắt con cá, đem về chỉ cần rửa sạch với nước. Không cần chế biến cầu kỳ như đánh vẩy, bỏ bụng…thậm chí không ướp gia vị lại càng ngon hơn. Cá lóc đồng phải nướng bằng rơm thì thịt cá mới thơm. Đầu bếp lúc này phải thuộc hạng chuyên nghiệp mới có thể canh đúng lửa. Lửa quá bén sẽ làm cháy cá mà lửa không đủ thì cá ươn, không chín.
Cá lóc đồng nướng trui
Muốn ăn ngon phải chấm với mắm nêm pha nhạt với tỏi, ớt và chanh. Cuốn chút bún, rau, khế với bánh tráng. Món ăn chơi mà no bụng, đã thèm.
5. Bún gỏi già
Nếu một lần ghé thăm Hậu Giang du khách nhớ thưởng thức món bún gỏi già, nhìn sơ qua thì có thể nhầm với món mắm bởi nguyên liệu chính cho món ăn này là mắm cá linh.
Bún gỏi già
Bún gỏi già phải nấu chung với me mới cho ra vị chua chua ngọt ngọt ăn không ngán và điều đặc biệt là bún gỏi già phải ăn chung với tép thì mới thưởng thức trọn vẹn hương vị của tô bún.
6. Chả cá thát lát
Chả cá thát lát ở đâu cũng có, vậy tại sao lại trở thành món ngon đặc sản, tiêu biểu cho ẩm thực Hậu Giang? Câu trả lời nằm ở chính nguyên liệu món ăn. Cá thác lác là loại nước ngọt, sống nhiều ở các sông, kênh, rạch… Trong khi đó nguồn nước ở Hậu Giang lại chứa nhiều khoáng chất nên thịt cá tươi, ngọt và dai hơn những vùng khác.
Chả cá thát lát
Chả cá thác lác Hậu Giang hấp cũng ngon, nhưng chiên lại càng ngon hơn. Cắn miếng chả, nào mùi cá tươi, mùi thì là thơm nồng, mùi tiêu cay cay, chấm với chén tương ớt… nghe thôi cũng đã thèm.
7. Gà hầm sả
Gà để nấu gà hầm sả là gà trống đá thả vườn được người dân nuôi nên rất săn chắc. Khi hầm lên, thịt gà sẽ mềm tới chứ không bị mềm bở như gà mái. Đồng thời, món ăn được chế biến theo công thức đặc biệt riêng với thật nhiều sả, có thêm củ cải trắng và đậu phộng giúp tăng độ ngọt, béo, bùi cho món ăn.
Gà hầm sả
Nếu thưởng thức món ăn này cùng vài ly rượu sẽ tuyệt vời hơn đấy.
8. Lẩu mẻ
Món lẩu mẻ này tại Hậu Giang có thể ăn cùng với rất nhiều loại thịt như gà, bò, cá,… nhưng ngon nhất là ăn với cá chẽm – một loại cá sông nhiều ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Cá chẽm sau khi mua về thì phi lê, lóc xương và lấy phần thịt. Nước lẩu sử dụng nước dừa xiêm để có vị ngọt thanh tự nhiên, thêm chút mẻ nuôi, rồi nêm nếm gia vị cho vừa ăn.
Lẩu mẻ
Lẩu ăn đến đâu sẽ nhúng cá vào đến đó và ăn kèm với bắp chuối bào sợi, rau muống, bạc hà,… Vị ngọt thanh của dừa, vị chua của mẻ, vị tươi ngọt của cá chẽm,… tất cả tạo nên hương vị ngon đặc trưng, chắc chắn sẽ làm bạn mê mẩn.
9. Bánh xèo bông điên điển
Bánh xèo Hậu Giang ngoài nhân tôm, nhân thịt còn có một nguyên liệu vô cùng đặc biệt là bông điên điển – món quà thiên nhiên chỉ có vào mùa nước lũ.
Bánh xèo bông điên điển
Vỏ bánh giòn tan hòa cùng vị ngọt của bông điên điển; cái béo ngậy của tôm thịt; vị chan chát của lá xoài non và bị cay lăn tăn của nước chấm kích thích vị giác vô cùng.
Trên đây là 9 đặc sản Hậu Giang dân dã nổi tiếng, bỏ túi ngay để chuẩn bị cho chuyến đi sắp tới của mình nhé.